Ngày 8/4, ông Hoàng Hải Minh, Chủ tịch thành phố Huế cho biết, tỉnh đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do Sở Xây dựng trình và thẩm định.
Phạm vi quy hoạch gồm khu vực dọc sông Hương đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, chiều dài khoảng 15 km. Diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 855.08 ha, trong đó, diện tích mặt nước 503.84 ha.
Theo quy hoạch, Thừa Thiên Huế dành 101,73 ha làm đất công cộng, trong đó đất công viên 40,32 ha; không gian xanh 31,54 ha; công viên chuyên đề 26,83 ha; đất quảng trường 3,04 ha.
Khu vực trung tâm thành phố Huế. Ảnh: Võ Ngọc Thạnh
Hai bờ sông Hương sẽ được tổ chức thành 5 cụm trung tâm gồm khu vực trung tâm thành phố Huế và 4 khu vực phụ trợ Phường Đúc, Thủy Biều, Vọng Cảnh, Tiên Nộn. Chiều rộng mỗi bên sông tiếp cận đến các tuyến đường dọc hai bờ sông hoặc cách mép bờ sông mỗi bên trung bình khoảng 100 m (bao gồm cồn Hến và cồn Dã Viên). Các tuyến giáp sông Hương gồm đường: Nguyễn Phúc Nguyên, Kim Long, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Lê Lợi, Huyền Trân Công Chúa, Lương Quán, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Sinh Cung, Chi Lăng và đất ven sông.
Hệ thống giao thông đô thị sẽ theo mối liên quan với tuyến dịch vụ du lịch chủ yếu và khu vực lân cận. Các tuyến đường trung tâm đô thị được điều chỉnh rộng hơn và xây dựng các thiết bị đô thị tiện lợi cho khách sử dụng xe và người đi bộ; tạo các tuyến đường có tính biểu tượng. Cảnh quan đường phố được bố trí tập trung khu vực có nhiều hoạt động ngoài trời, tuyến phố đi bộ kết nối với công viên.
Các tuyến đường thượng lưu sông Hương bố trí cảnh quan đường phố tách biệt để mở rộng tầm nhìn. Chính quyền ưu tiên trồng các loại cây tán rộng, bố trí công trình tiện ích như quảng trường, ghế dài, gian hàng bán nước giải khát, nhà vệ sinh công cộng.
Thừa Thiên Huế xác định trục dọc bờ sông Hương làm hướng phát triển đô thị. Ảnh: Võ Thạnh
Không gian kiến trúc cảnh quan được phân theo 3 vùng gồm: vùng thượng lưu (từ đồi Vọng Cảnh đến cồn Dã Viên) sẽ bảo tồn cảnh quan và quản lý tài nguyên văn hóa lịch sử; vùng trung tâm đô thị (từ Cồn Dã Viên đến cồn Hến) sẽ là trung tâm du lịch văn hóa và các không gian mở; vùng hạ lưu (từ cồn Hến đến phố cổ Bao Vinh) sẽ bảo tồn và khai thác cảnh quan tự nhiên sinh thái.
Khu vực cảnh quan trên nền tảng văn hóa truyền thống gồm: làng thủ công mỹ nghệ Thủy Xuân, Phường Đúc, phố cổ Gia Hội, phố cổ Bao Vinh; khu vực quản lý cảnh quan phát triển mới gồm chợ Đông Ba, cồn Hến, phía Nam khu trung tâm Huế. Cảnh quan tự nhiên đồi Vọng Cảnh, cồn Dã Viên, cồn Hến. Cảnh quan văn hóa lịch sử gồm chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, Văn Thánh, Võ Thánh; khu vực cảnh quan nhân tạo là các quảng trường, công viên, công trình biểu tượng.
Cảnh quan hai bờ sông Hương được quy hoạch chi tiết. Ảnh: Võ Thạnh
Các công trình ven sông Hương sẽ khống chế chiều cao, mật độ xây dựng hạn chế che chắn tầm nhìn ra sông Hương và khu vực lân cận. Với đất ở đô thị thuộc Phường Đúc, Vỹ Dạ, Phú Hậu, Phú Hiệp, Phú Cát, diện tích phân lô tối thiểu là 100 m2. Với đất ở đô thị thuộc Thủy Biều, Hương Hồ và đất ở nông thôn thuộc các xã Hương Vinh, Phú Thượng, Phú Mậu, diện tích phân lô tối thiểu 120 m2.
Với việc phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, Thừa Thiên Huế sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng, và các khu chức năng của cồn Dã Viên; giải tỏa, tái định cư người dân cồn Hến; xây dựng, chỉnh trang chợ Đông Ba và đường Chương Dương; đầu tư, xây dựng các bến thuyền và khu dịch vụ bến thuyền; đầu tư, xây dựng chỉnh trang các công viên ở khu vực trung tâm.
Nguồn: vnexpress