Ngành giao thông vận tải đang tập trung xây dựng 11 dự án cao tốc Bắc - Nam. Đến nay việc giải phóng mặt bằng đã hoàn thành 641 km trong tổng số 652 km (đạt 98%). Vị trí chưa được bàn giao mặt bằng nằm rải rác ở 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai do các địa phương vướng mắc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.
Trong 11 dự án, tuyến Cao Bồ - Mai Sơn (Nam Định, Ninh Bình) được triển khai sớm nhất, có kế hoạch hoàn thành cuối năm 2021. Theo Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình (chủ đầu tư dự án), cao tốc này đạt giá trị xây lắp khoảng 923 tỷ đồng (84% tổng sản lượng); lũy kế giải ngân cho dự án đạt đạt 60%, gói thầu xây lắp sẽ cơ bản hoàn thành trong tháng 10, trừ các vị trí phải chờ lún theo yêu cầu kỹ thuật.
Hiện nay, đường tuyến chính qua địa phận Nam Định đã xong xử lý nền đất yếu, đắp nền đường phần mở rộng, đang thi công lớp bêtông nhựa và dự kiến hoàn thiện nền, móng vào ngày 30/9. Đoạn qua địa phận Ninh Bình đang triển khai thi công móng đường hai nhánh của nút giao Mai Sơn và dự kiến hoàn thành 30/9.
Thi công hầm Tam Điệp trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Lê Hoàng.
Bốn dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ninh Bình - Thanh Hóa); Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị - Thừa Thiên Huế); Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận); Phan Thiết - Dầu Giây (Bình Thuận - Đồng Nai) đang chậm so với kế hoạch do một số nguyên nhân như vướng mặt bằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều gói thầu có người nhiễm Covid-19.
Một số tuyến cao tốc trong các dự án trên nằm ở địa bàn giãn cách xã hội nên khó khăn trong việc tập kết máy móc, thiết bị, bổ sung nhân lực, khai thác vật liệu đất đắp. Các dự án này đều có kế hoạch hoàn thành cuối năm 2022.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đạt khối lượng thi công tổng thể khoảng 12% giá trị hợp đồng, kế hoạch là 14%. Nguyên nhân chậm tiến độ cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, nhất là nguồn cát đắp nền đường vào công trường bị chậm, cộng với vướng giải phóng mặt bằng. Cây cầu này dự kiến hoàn thành năm 2023.
Công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Phước Tuấn.
Bốn dự án Diễn Châu - Bãi Vọt; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm mới khởi công. Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến khởi công tháng 9. Các dự án này đều có kế hoạch hoàn thành cuối năm 2023.
Ngoài 11 đoạn cao tốc Bắc Nam, ngành giao thông đang triển khai cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang). Dự án này đạt khối lượng thi công khoảng 80%, tuyến đường chính sắp hoàn thành thử tải, đang thảm bê tông nhựa. Thời gian qua, một số gói thầu trên tuyến cao tốc tạm dừng thi công 21 ngày do người lao động bị cách ly, hạn chế ra khỏi chỗ ở. Đơn vị quản lý dự án cho biết sẽ tiếp tục điều phối nhân sự để công trình không bị đình trệ kéo dài, đảm bảo thông xe kỹ thuật cuối năm nay như kế hoạch đề ra.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã bàn giao mặt bằng 21 km trong số 22 km (đạt 92%), do dịch Covid-19 nên các địa phương chưa có kế hoạch giải quyết phần vướng mặt bằng còn lại. Dự án này có kế hoạch sẽ hoàn thành cuối năm 2022.
Những tháng cuối năm, các đơn vị dự án còn thực hiện khối lượng công việc rất lớn, trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp, thời tiết bất lợi với dự báo mưa bão, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu tăng cường các mũi thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021.
Tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông từ Hà Nội đến Cần Thơ dài 1.799 km, trong đó 11 dự án đang được xây dựng dài 654 km đi qua 13 tỉnh, thành. Sau khi hoàn thành 11 dự án cao tốc, cùng với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và các đoạn đã hoàn thành, tuyến cao tốc Bắc Nam sẽ có hơn 1.000 km, đáp ứng nhu cầu vận tải, khắc phục tình trạng ách tắc và tai nạn trên quốc lộ 1.
Để nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc Nam, ngành giao thông sẽ đầu tư hơn 600 km còn lại đến năm 2025.
Đoàn Loan
Nguồn : Vietnamexpress.net