Đây là nội dung trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, được Bộ Giao thông Vận tải công bố hôm nay 15/9.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nói đây là quy hoạch đầu tiên trong 5 quy hoạch chuyên ngành được Thủ tướng phê duyệt. Bên cạnh mục tiêu đến năm 2030 nêu trên, quy hoạch dự kiến đến năm 2050 sẽ hình thành 41 tuyến với 9.014 km cao tốc; quy hoạch đường ven biển vào hệ thống quốc lộ; điều chỉnh chiều dài và quy mô đối với cao tốc vành đai đô thị Hà Nội, TP HCM, tuỳ theo nhu cầu phát triển đô thị, có thể đi trên cao một số đoạn...
Khối lượng vận chuyển hàng hóa đường bộ đạt khoảng 2,76 tỷ tấn (chiếm 62% thị phần); hành khách đạt 9,4 tỷ lượt hành khách (chiếm 90% thị phần).
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay sẽ kết nối với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Quỳnh Trần
Mạng lưới cao tốc đến năm 2050 gồm trục dọc 2 tuyến: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Từ Lạng Sơn - Cà Mau) chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô 4 - 10 làn xe; cao tốc Bắc - Nam phía Tây, chiều dài khoảng 1.205 km, quy mô 4 - 6 làn xe.
Cao tốc khu vực phía Bắc 14 tuyến, chiều dài khoảng 2.305 km, quy mô 4 - 6 làn xe; miền Trung - Tây Nguyên 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.431 km, quy mô 4 - 6 làn xe; miền Nam 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.290 km, quy mô 4 - 10 làn xe.
Vành đai đô thị Thủ đô Hà Nội gồm 3 tuyến cao tốc, chiều dài khoảng 425 km, quy mô 4 - 6 làn xe; vành đai đô thị TP HCM 2 tuyến, chiều dài khoảng 295 km, quy mô 4 - 8 làn xe.
Hệ thống quốc lộ bao gồm 172 tuyến với tổng chiều dài khoảng 29.795 km (tăng 5.474 km so với năm 2021). Trong đó quốc lộ 1 từ Cửa khẩu Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đến huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, có chiều dài 2.482 km, đạt tiêu chuẩn cấp II, 4 làn xe.
Đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đến Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, có chiều dài 1.762 km, đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp III, 2 đến 4 làn xe.
Tuyến quốc lộ chính yếu khu vực phía Bắc gồm 21 tuyến, chiều dài khoảng 6.954 km; miền Trung, Tây Nguyên 24 tuyến với chiều dài 4.407 km; phía Nam gồm 17 tuyến với chiều dài 2.426 km.
Đường bộ ven biển qua địa phận 28 tỉnh, thành phố, tổng chiều dài khoảng 3.034 km, quy mô 2 - 4 làn xe; hướng tuyến các đoạn không đi trùng các quốc lộ, cao tốc được quyết định trong quy hoạch tỉnh.
Quy hoạch lần này xác định đường bộ là phương thức linh hoạt, hiệu quả đối với cự ly ngắn và trung bình (dưới 300 km), hỗ trợ gom, giải tỏa hàng hóa, hành khách cho các phương thức vận tải khác.
Về nguồn vốn, quy hoạch xác định huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư cao tốc, chủ yếu là phương thức đối tác công tư (PPP), vốn ngân sách nhà nước sẽ đóng vai trò "vốn mồi".
Ngoài ra, việc huy động ngân sách địa phương tham gia đầu tư các tuyến cao tốc trên địa bàn cũng đa dạng thêm nguồn lực đầu tư, thay vì chỉ "trông chờ" vào ngân sách trung ương như đã triển khai trong trước đây.
Hiện, ngành giao thông đang triển khai 11 dự án cao tốc Bắc Nam đến 2023. Cùng với hơn 300 km cao tốc đã được khai thác, tuyến cao tốc Bắc Nam có hơn 1.000 km đáp ứng nhu cầu vận tải, khắc phục tình trạng ách tắc và tai nạn trên quốc lộ 1.
Theo Vnexpress.net