Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Quang Giang, Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc VN về nội dung này.
Đấu thầu chọn nhà đầu tư trong quý III/2024
Bộ GTVT đã phê duyệt 36 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tiến độ triển khai đến nay đang được thực hiện thế nào, thưa ông?
Trong 36 trạm, ngoài các trạm đã và đang đầu tư xây dựng hoặc do địa phương quản lý thì Bộ GTVT quản lý 24 trạm. Đến nay, đã triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 8 trạm (thuộc các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã đưa vào khai thác). Trong đó, đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư 5 trạm và đang thẩm định kết quả 3 trạm.
Để đảm bảo hoàn thành đầu tư các trạm dừng nghỉ vào năm 2025 theo yêu cầu của Bộ GTVT, Cục Đường cao tốc VN và các ban quản lý dự án xác định tinh thần triển khai với quyết tâm cao nhất, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", thi công "3 ca, 4 kíp".
Ông Nguyễn Quang Giang
Cục Đường cao tốc VN và các ban quản lý dự án đang tổ chức đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng với các nhà đầu tư để khẩn trương triển khai thi công. Trong đó, ưu tiên phấn đấu hoàn thành công trình thiết yếu cuối năm 2024, hoàn thành toàn bộ trong năm 2025.
Đối với các trạm còn lại (chủ yếu thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2), Cục Đường cao tốc đã phê duyệt thông tin dự án làm cơ sở để các ban quản lý dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong quý III/2024, phấn đấu hoàn thành đồng bộ với các dự án đường cao tốc khi đưa vào vận hành khai thác cuối năm 2025.
Triển khai nhiều trạm dừng nghỉ cùng lúc có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?
Việc lựa chọn nhà đầu tư cùng một lúc đòi hỏi các cơ quan đơn vị liên quan cần nỗ lực huy động tối đa nhân lực. Địa phương phải quyết liệt trong công tác GPMB, nhà đầu tư tập trung nhân lực, máy móc thiết bị để triển khai thi công.
Công tác lựa chọn nhà đầu tư được định hướng đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Tuy nhiên, do đây là nội dung mới, các quy định chưa được hoàn thiện nên việc triển khai ban đầu chưa được như mong muốn.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT, thể chế chính sách về trạm dừng nghỉ đã và đang được hoàn thiện và đã tổ chức đấu thầu 8 trạm như đã đề cập ở trên.
Trước mắt, trong thời gian chờ hoàn thành việc đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ, Bộ GTVT đã chỉ đạo chủ đầu tư dự án đường cao tốc tổ chức một số điểm dừng nghỉ tạm trên tuyến.
Như vậy, đến nay các tuyến cao tốc cơ bản đã có giải pháp đáp ứng nhu cầu dừng nghỉ của người tham gia giao thông.
Đấu thầu công khai
Nhiều người băn khoăn, vì sao khi xây dựng cao tốc không đầu tư luôn trạm dừng nghỉ, ông có thể lý giải thêm?
Khi trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam, để giảm áp lực vốn đầu tư công, Chính phủ đã định hướng tổ chức đầu tư xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa.
Tuy nhiên, do các quy định về xã hội hóa đầu tư, kinh doanh trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ nên gặp một số vướng mắc, dẫn đến việc đầu tư trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 chưa hoàn thành đồng bộ với tuyến đường.
Trong giai đoạn 2 (2021-2025), Bộ GTVT đã kịp thời phê duyệt mạng lưới trạm dừng nghỉ, hoàn thiện hành lang pháp lý, cập nhật bổ sung trong dự án và tổ chức triển khai xã hội hóa đầu tư đồng bộ trên toàn tuyến.
Đến nay, đã có 5 trạm trên các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam chọn được nhà đầu tư. Ông đánh giá thế nào về năng lực các nhà đầu tư?
Công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo pháp luật về đấu thầu và các quy định liên quan. Hồ sơ mời thầu được đăng công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để các nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu và tham dự thầu. Trong 8 trạm dừng nghỉ đã được mở thầu cơ bản đều có từ 3 nhà đầu tư trở lên tham dự. Đặc biệt, có trạm đến 7 nhà đầu tư tham gia.
Qua đấu thầu công khai, minh bạch đã lựa chọn được nhà đầu tư cho 5 trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc: Mai Sơn - QL45, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, Phan Thiết - Vĩnh Hảo.
Sơ bộ cho thấy, các nhà đầu tư trúng thầu cơ bản đều là các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, có năng lực, kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ, năng lượng, vận tải.
Trong quá trình triển khai, nếu nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?
Trong quá trình đàm phán hoàn thiện ký kết hợp đồng tới đây, Cục Đường cao tốc VN sẽ đưa vào hợp đồng đầy đủ các chế tài, đảm bảo việc nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu về tài chính, chất lượng, tiến độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Để thu hút thêm nhà đầu tư tham gia, nhiều chính sách hấp dẫn được áp dụng như: Nhà đầu tư được chủ động trong phương án kinh doanh vận hành khai thác đối với các dịch vụ phục vụ ăn uống, giải khát; giới thiệu và bán hàng hóa; cấp nhiên liệu; trạm sạc xe điện; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; các công trình phụ trợ; các dịch vụ thiết yếu khác...
Để đẩy nhanh quá trình thực hiện, Cục Đường cao tốc đã tham mưu ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư theo trình tự, thủ tục rút gọn. Cùng đó, yêu cầu nhà đầu tư hoàn thành công trình thiết yếu trước để phục vụ người dân tham gia giao thông. Đồng thời, phối hợp làm việc với địa phương để đẩy nhanh công tác GPMB, sớm bàn giao cho nhà đầu tư.
Rà soát để lập dự án bổ sung
Nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra số tiền hàng trăm tỷ đồng để thực hiện dự án. Với thời gian khai thác 25 năm, liệu có đảm bảo cho nhà đầu tư thu hồi vốn?
Theo quy định, nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ, đồng thời phải nộp một khoản tiền vào ngân sách để được phép kinh doanh trong 25 năm.
Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu từ 45-60 ngày, các nhà đầu tư có nhiều thời gian đi khảo sát hiện trường, khảo sát lưu lượng xe, nhu cầu của người tham gia giao thông… để tính toán, xây dựng hồ sơ dự thầu.
Kết quả mở thầu 8 dự án trạm dừng nghỉ có nhiều nhà đầu tư tham dự và bỏ các mức giá khác nhau. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư đã tìm hiểu rất kỹ trước khi xây dựng phương án đầu tư kinh doanh. Nếu không nhìn thấy hiệu quả, họ sẽ không dám bỏ một khoản tiền lớn như vậy để dự thầu.
Quốc hội vừa thông qua Luật Đường bộ với nhiều quy định mới về trạm dừng nghỉ, theo ông những quy định này sẽ có tác dụng thế nào đối với việc đầu tư trạm dừng nghỉ sau này? Để quy định đi vào thực tiễn cần phải làm gì?
Từ ngày 1/1/2025, Luật Đường bộ 2024 chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định về trạm dừng nghỉ. Theo đó, trạm dừng nghỉ phải được đầu tư, xây dựng đồng bộ với đường cao tốc.
Căn cứ hình thức đầu tư đường cao tốc, hình thức đầu tư trạm dừng nghỉ được xác định phù hợp (đầu tư công hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư). Quy định này góp phần bảo đảm đồng bộ trong khai thác, sử dụng trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc.
Để quy định này đi vào thực tiễn, Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn về việc đầu tư trạm dừng nghỉ. Hiện nay, Bộ GTVT đang dự thảo các văn bản, trình cấp có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đang triển khai công tác rà soát các tuyến đường đã và đang được đầu tư để lập dự án trạm dừng nghỉ bổ sung.
Trần Duy
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nam-2025-hoan-thanh-toan-bo-tram-dung-nghi-cao-toc-19224070423185259.htm