TextHead
TextBody

EVN vay tiếp 2.400 tỷ làm dự án thuỷ điện Ialy mở rộng

20/02/2023

Khoản vay 2.400 tỷ đồng được Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cấp cho EVN, để thực hiện dự án Nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộng.

Khoản tín dụng từ Agribank có thời hạn vay tối đa 168 tháng, chiếm gần 38% tổng vốn đầu tư của dự án Nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộng. Đây là khoản vay thứ hai của EVN để triển khai dự án này.

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN, cho biết chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và giá nguyên, nhiên liệu tăng cao so với thời điểm dự thầu, nhưng hai năm qua chủ đầu tư và các đơn vị thu công, giám sát trên công trường vẫn đảm bảo tiến độ. Dự kiến dự án đưa vào vận hành cuối năm 2024. Trong đó, nhiều hạng mục vượt tiến độ 1 đến 3 tháng so với kế hoạch được duyệt.


Một góc Nhà máy Thuỷ điện Ialy. Ảnh: Anh Minh

Phó chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cũng đánh giá đây là dự án thi công đảm bảo, an toàn theo kế hoạch. Tuy vậy, ông đề nghị EVN chỉ đạo sâu sát các nhà thầu, đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ phát điện, vận hành thương mại dự án vào 2024.

"Đây là dự án nằm cạnh nhà máy thuỷ điện Ialy cũ, EVN cần đôn đốc đơn vị thi công, theo dõi sát để đảm bảo duy trì an toàn hệ thống các nhà máy hiện hữu", ông Hồ Sỹ Hùng nói.

Agribank cần giải ngân kịp thời, đúng khoản mục phù hợp với yêu cầu của các nhà thầu, đảm bảo dòng vốn cho dự án.

Năm 2021, EVN từng vay ưu đãi 75 triệu euro (khoảng 1.900 tỷ đồng) từ Cơ quan phát triển Pháp (AFD) để thực hiện dự án này.

Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (huyện Sa Thầy, Kon Tum và huyện Chư Păh, Gia Lai) do EVN làm chủ đầu tư, có công suất 360 MW. Dự án có tổng vốn gần 6.400 tỷ đồng, với 30% vốn đối ứng của EVN, 70% còn lại được thu xếp từ nguồn vay tín dụng của Ngân hàng Agribank và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).

Dự án này dự kiến phát điện tổ máy 1 vào quý II/2024 và tổ máy 2 vào quý III/2024. Khi hoàn thành dự án này sẽ tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam trong bối cảnh năng lượng tái tạo phát triển mạnh; cải thiện hiệu suất cho hệ thống điện, cũng như giảm chi phí sản xuất.

Ngoài ra, nhờ tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua hạn chế lượng xả hàng năm sẽ tăng thêm sản lượng phát điện trung bình khoảng 233,2 triệu kWh mỗi năm, giúp thay thế sản xuất điện từ nguyên liệu hoá thạch, giảm chi phí nhiên liệu hàng năm và phát thải khí nhà kính.

Theo Vnexpress.net.