TextHead
TextBody

4 dấu ấn hạ tầng giao thông năm 2022

06/01/2023

 

Năm 2022, nhiều công trình giao thông lớn đã hoàn thiện, được triển khai hoặc bước vào giai đoạn nước rút, trở thành biểu tượng cho sự phát triển năng động, sáng tạo của đất nước.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng chiều dài trên 80km với tổng vốn đầu tư của dự án trên 14.000 tỷ đồng, được thi công thần tốc trong thời gian hơn 2 năm sau khi giải phóng mặt bằng.

Với quy mô đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h, dự án khi đi vào hoạt động sẽ kết nối đồng bộ với cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam với gần 600km. Từ đó, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước, chiếm gần 17% tổng chiều dài cao tốc hiện có của cả nước.

Đây cũng là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối 3 sân bay (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn).

Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái nâng tầm Quảng Ninh (Ảnh: BTC).

Với việc rút ngắn thời gian di chuyển từ Móng Cái đến Hạ Long xuống còn một nửa (còn 1 giờ 30 phút thay vì khoảng 3 giờ như trước đây), từ Móng Cái đến Hà Nội còn 3 giờ (thay vì 5 giờ 30 phút như trước đây), tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có ý nghĩa kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đặc biệt quan trọng bởi giá trị kết nối liên tỉnh, liên vùng và giao thương quốc tế.

Dự án có hệ thống giao thông thông minh ITS trên toàn tuyến được đầu tư hiện đại ghi hình liên tục 24/24 giờ trong mọi điều kiện thời tiết. Đây cũng là một trong số ít các tuyến đường cao tốc trên thế giới được đầu tư hệ thống chiếu sáng đồng bộ trên toàn tuyến.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Sáng 31/12, tại nút giao cầu Tuần, xã Hương Thọ, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Bộ GTVT tổ chức lễ khánh thành Dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn có tổng chiều dài hơn 98,3km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài 37,3km, đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế 61km. Tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, gồm 11 gói thầu xây lắp.

Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã hoàn thành và đưa vào khai thác (Ảnh: Bộ Giao thông vận tải).

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn có điểm đầu tại Km0+00 (giao với QL9 tại Km10+380), thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối tại Km102+200 (La Sơn), trùng với Km4+500 TL14B, trùng với điểm đầu dự án La Sơn - Túy Loạn, thuộc xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Giai đoạn đầu, đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m (riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m). Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23m; các cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.

Dự án xây dựng đường Vành đai 2.

Dự án xây dựng đường Vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở) khởi công tháng 4/2018 bao gồm tuyến đường bộ trên cao và mở rộng dưới thấp. Trong đó, đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng đã được đưa vào khai thác từ tháng 11/2020. Đoạn từ Ngã Tư Vọng tới cầu Vĩnh Tuy đã đạt 99% khối lượng công việc, theo kế hoạch hoàn thành trong tháng 12/2022.

Tuyến đường vành đai 2 sắp đưa vào khai thác (Ảnh: Mạnh Quân).

Dự án bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng dưới thấp với tổng vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng. Đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao có chiều dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Phần dưới thấp dài trên 3 km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng.

Đường vành đai 2 sẽ góp phần giảm áp lực lên vành đai 3 và các tuyến đường hướng vào nội đô trong khung giờ cao điểm. 

Khởi công nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất.

Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã chính thức khởi công sau hơn 2 năm được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.

Công trình Nhà ga T3 khi hoàn thành sẽ nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách mỗi năm, gấp đôi so với hiện tại.

Đại diện ACV cho biết, dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất gồm 3 hạng mục chính: nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga.

Tổng mức đầu tư là 10.990 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (70%) và vốn vay thương mại (30%).

Phối cảnh Nhà ga T3. Lấy cảm hứng từ tà áo dài truyền thống, kiến trúc nhà ga được thiết kế mềm mại,trẻ trung như sức sống của một thành phố năng động đang vươn mình phát triển (Ảnh: ACV).

Hạng mục nhà ga hành khách có quy mô một tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500m2, có 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy thả hành lý tự động và 42 ki-ốt check in, 27 cửa ra tàu bay, có 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách.

Đặc biệt, Nhà ga T3 được thiết kế 8 cửa kiểm soát an ninh và một khu riêng biệt phục vụ khách VIP, hạng thương gia và khách ưu tiên.

Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự kiến thi công trong 24 tháng, sẽ hoàn thành và chạy thử vào cuối năm 2024, đáp ứng tiến độ đề ra theo yêu cầu của Chính phủ.

Theo dantri.com.vn