TextHead
TextBody

Chương trình hành động của tân Bộ trưởng Tài chính, Ngoại giao, Nội vụ

10/04/2021

Tân Bộ trưởng Tài chính sẽ tập trung phát triển bền vững nguồn lực tài chính quốc gia, Bộ trưởng Ngoại giao đề ra bốn ưu tiên.

Chia sẻ với báo chí sau khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính, ông Hồ Đức Phớc cho biết 5 năm làm Tổng Kiểm toán Nhà nước đã giúp ông có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm về kinh tế tài chính vĩ mô. "Đó là thuận lợi lớn giúp tôi đảm nhận trọng trách mới".

Tuy nhiên, tân bộ trưởng cũng nhìn nhận, hiện việc quản lý thu, sử dụng ngân sách và tài sản công có lúc, có nơi chưa hiệu quả; đầu tư công còn lãng phí... Những yếu tố đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước trước mắt cũng như lâu dài. Trong khi đó, nhiệm kỳ này là thời điểm quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

Tân Bộ trưởng Tài chính xác định việc xây dựng và quản lý, điều hành kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước "phải tích cực, nhưng thận trọng".

Tân Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Giang Huy

Ông Phớc cũng xác định tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước nhằm tăng nguồn thu ngân sách, đặc biệt là nguồn thu tiềm năng, nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, đảm bảo chi ngân sách nhà nước tiết kiệm hiệu quả. Từ đó, Chính phủ cải thiện chính sách tài khóa, sức chống chịu của nền tài chính quốc gia trong quản lý, điều hành nền kinh tế.

Nhiệm vụ không kém quan trọng trong thời gian tới là tiếp tục giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách nhà nước; công khai, minh bạch, đẩy mạnh trách nhiệm giải trình và tiếp tục thúc đẩy việc hoàn thiện chính sách, tháo gỡ nút thắt nền kinh tế, tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính cần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm bội chi ngân sách, giảm nợ công, tập trung khơi dậy và huy động các nguồn lực tài chính từ xã hội, thông qua đó thúc đẩy phát triển các thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm... theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tân Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Giang Huy

Tân Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết sẽ cụ thể hóa đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII đã vạch ra, đưa Nghị quyết Đại hội vào thực tiễn cuộc sống. Ông đề ra bốn ưu tiên.

Đầu tiên, Bộ Ngoại giao tập trung làm sâu sắc và đưa vào chiều sâu quan hệ với tất cả đối tác quan trọng của Việt Nam, nhất là các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và bạn bè truyền thống. Khi có quan hệ tốt đẹp với các nước này, môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác của Việt Nam sẽ vững bền hơn.

Thứ hai, ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa và công tác với người Việt Nam ở nước ngoài đều phải phục vụ cho mục tiêu phát triển. Trong đó, ngoại giao kinh tế sẽ là trọng tâm trong thời gian tới nhằm tranh thủ nguồn ngoại lực để bổ sung cho yếu tố nội lực.

Hợp tác quốc tế giúp Việt Nam hội nhập và thực hiện được mục tiêu, khát vọng của mình. Trong đó, ngoại giao có thể vừa tham mưu, vừa hỗ trợ thông qua 96 cơ quan đại diện nước ngoài.

"Chúng tôi sẽ học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các nước về mô hình phát triển, về hợp tác đầu tư, tranh thủ các nguồn lực, trong đó, có viện trợ không hoàn lại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)", tân bộ trưởng nói.

Thứ ba, ngành ngoại giao xác định tham gia tích cực, chủ động vào các diễn đàn, các tổ chức đa phương. Trên cơ sở đó, ngành tham gia định hình và phát triển các luật chơi, có những sáng kiến để nâng cao vị thế đất nước với tư cách một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Trước mắt, ngành ngoại giao phải hoàn thành xuất sắc vai trò là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng 4; hoàn thành nhiệm vụ của Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong năm 2021. Việt Nam cũng tham gia tích cực vào các hoạt động khác của Liên Hợp Quốc, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

"Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Công an và các bộ, ngành khác để triển khai nhiều hoạt động, thể hiện sự tham gia tích cực của Việt Nam không chỉ ở Liên Hợp Quốc, mà cả trong các hoạt động của khu vực như ASEAN, APEC, ASEM hoặc các tổ chức khu vực khác", ông Sơn nhấn mạnh.

Ưu tiên thứ tư của tân Bộ trưởng Ngoại giao là hỗ trợ tích cực để người Việt Nam ở nước ngoài giữ được bản sắc dân tộc, giữ được tiếng Việt, hội nhập với nước sở tại. Trong bối cảnh Covid-19, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài lên tới 5,3 triệu người, ngành ngoại giao sẽ tăng cường công tác bảo hộ công dân, trong điều kiện cho phép người dân được về nước an toàn hoặc yên tâm ở lại nước sở tại.

Tân Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Giang Huy

Tân Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ xúc động khi là nữ bộ trưởng đầu tiên sau 75 năm thành lập ngành Nội vụ; đồng thời nhận thấy nhiệm vụ của ngành Nội vụ trong giai đoạn tới hết sức nặng nề.

"Thời gian tới, ngành Nội vụ phải quán triệt sâu sắc tinh thần nghị quyết Đại hội XIII, tổ chức thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm trên lĩnh vực của ngành, trong đó tập trung trọng tâm vào 5 nhiệm vụ cơ bản", bà thông tin với báo chí.

Đầu tiên là tập trung cao độ cho việc tiếp tục tham mưu để "xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, minh bạch, phục vụ nhân dân và hội nhập".

Thứ hai, ngành Nội vụ tiếp đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo đột phá cho giai đoạn 2021-2026, "khơi thông các điểm nghẽn, rào cản, tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển tới đây".

Thứ ba, ngành Nội vụ tiếp tục tổ chức sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trong đó có sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; các cơ quan, đơn vị hành chính và sự nghiệp.

"Vừa qua, Bộ đã làm tích cực và đạt hiệu quả bước đầu, thời gian tới sẽ làm quyết liệt", bà Trà nói và cho biết nhiệm vụ thứ tư là tiếp tục thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo; đồng thời chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài...

Nhiệm vụ cuối cùng ngành Nội vụ đề ra là tiếp tục đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước ở các lĩnh vực của ngành, bảo đảm rõ nhiệm vụ, rõ người, rõ việc, phát huy sự chủ động, tích cực của địa phương; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Nguồn: vnexpress